Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Tháng 7, viết về một mối tình


Cách đây 2 tháng, tôi nhận được một món quà đặc biệt: cuốn nhật ký vừa được xuất bản của một chiến sĩ viết trong những ngày tham gia cuộc chiến tranh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Người chiến sĩ đó là bạn học thời phổ thông của tôi: Nguyễn văn Đạt
Tôi đã đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký của Nguyễn văn Thạc. Đọc xong cuốn: “Những ngày ở Trường Sơn” của Nguyễn văn Đạt, bạn tôi. Tôi nghĩ nếu như chẳng may bạn tôi hy sinh, cuốn nhật ký này được xuất bản chắc sẽ có tiếng vang không kém 2 cuốn trên. Nhưng may mắn thay, bạn tôi trở về nguyên vẹn và bây giờ, ngững người bạn cũ chúng tôi được đọc những trang viết về một mảng khác của cuộc chiến tranh mà 3 người bạn cùng lớp của tôi ra đi chỉ còn mình Đạt trở về.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Trần Nhuận Minh viết:”…Chúng ta đã đọc nhiều về Trường sơn trận mạc khốc liệt, những trang nhật ký này cho chúng ta biết một Trường sơn khác, có phần yên tĩnh nhẹ nhàng hơn, trang viết cũng dịu dàng hơn, để ta hình dung chiến trường một thuở với các cung bậc của nó…”, “…Tuy không có trận mạc của một đơn vị lính chiến, nhưng gian khổ và hy sinh không ít”
Trong entry này, tôi không có ý định giới thiệu nội dung cuốn sách mà muốn nói về  một chuyện tình khi đọc về cuộc gặp gỡ của Đạt với Dương Trọng Chử, một trong 3 người bạn cùng lớp, cùng nhập ngũ một ngày với Đạt nhưng đã không trở về.


Liệt sĩ Dương Trọng Chử
28/5/1968
Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị. Mình đã gặp lại Dương Trọng Chử, người bạn cùng học, cùng lên đường nhập ngũ. Chử đang trên đường hành quân ở trung đoàn chiến đấu từ B3 vào.
Hai đứa ôm ghì lấy nhau cảm động, mừng mừng tủi tủi. Chử vẫn khỏe, không khác trước là mấy, vẫn ít nói, chín chắn, thỉnh thoảng có những nhận xét sâu và tế nhị. Gần 4 năm trời bây giờ mới gặp lại. Chử cho mình biết Trí (cũng là bạn cùng học) đã hy sinh ở ngoài khu 5 rồi. Cả lớp có 3 thằng, như thế là chỉ còn lại 2. Chiến tranh tàn khốc dã man biết chừng nào
Tiễn chân Chử một quãng đường xa, dùng dằng chưa muốn xa, hai đứa lại vào một cái chòi gác bỏ không ngồi nói chuyện. Bên ngoài trời lại đổ mưa…
Sau đó Chử gửi thư cho Đạt, trong thư có bài thơ dài nói lên nhiệt huyết của cả một lớp người trẻ tuổi không ngại gian khổ, hy sinh vì một nước Việt nam thống nhất. Nhưng như một điềm báo của định mệnh, cuối bài thơ là một đoạn như báo trước cho sự ra đi mãi mãi của Chử:
“Tôi hôn anh với cả ân tình
Đôi tay ghì chặt mái đầu xanh
Ngày mai anh nhỉ ngày thống nhất
Dẫu có không còn tôi với anh”
Và đoạn cuối bức thư:
“Tắm trong lửa đạn khói bom, mình tin rằng mình sẽ chọn được cái chết xứng đáng trong những ngày cách mạng sắp thắng lợi này.”
Bức thư của Chử gửi cho Đạt ghi ngày 5 tháng 9 năm 1966. lúc đó Chử mới 22 tuổi. cái tuổi nhiều ước mơ và hy vọng, cái tuổi đẹp vô cùng trong đời một con người.
Ngày ra đi chưa kịp nói lời yêu
Một tấm dù hoa gửi về người thương nhớ
Người con gái nhận tấm khăn cùng tin dữ
Mắt lệ nhòa nhớ lại bóng người xưa.
Người con gái ấy là V. cũng là bạn học cùng lớp, lúc này đang học năm thứ 2 trường ĐH dược HN. Nhận được thư và kỷ vật của Chử, V. mới biết tình cảm Chử dành cho mình.
V. là một cô gái có nhan sắc, thông minh, có giọng hát hay và mái tóc dài óng ả. V. học trên bọn mình một lớp, học lực khá, nhưng không hiểu sao lần đi thi đầu tiên bao giờ cũng rớt, vì vậy khi ở lại học cùng bọn mình,V. hơn bọn mình vài tuổi và lúc này V. đã có người yêu. Có lẽ vì vậy Chử đã không ngỏ lời trước khi lên đường nhập ngũ, nhưng hình bóng người con gái mảnh mai, nhỏ bé với hàm răng đều lấp lánh và mái tóc dài óng ả vẫn theo Chử trên đường ra trận. Khi nhận được thư và kỷ vật của Chử V. hơi bất ngờ. Lúc đó mình học khoa hóa ĐHTH và ở tại KTX Lò đúc, gần KTX Thọ lão của trường dược nên mình và V. hay đến nhau chơi. Cả V. và mình đều không ngờ là Chử lại dành cho V. mối tình đầu đẹp và sâu sắc đến vậy, lúc này, V. đã chia tay người yêu. Từ hôm đó 2 người có liên lạc thư từ được với nhau không thì tôi không rõ vì sau đó chúng tôi sơ tán mỗi người một nơi. Mãi sau khi ra trường 2 năm tôi mới gặp lại V. Ngày nhận tin Chử  hy sinh V. khóc nhiều lắm. Từ đó V. không yêu ai nữa và bây giờ sống với người con gái nuôi mà V. xin ở bệnh viện về khi còn đỏ hỏn. Trong trái tim người phụ nữ đã sắp bước sang tuổi thất thập ấy vẫn in đậm hình bóng nụ cười, ánh mắt người con trai 19 tuổi ngày ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.